Như thể "chữa cháy", ngày 24-8, đoàn công tác gồm đại diện Thanh tra Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội, BQL di tích và danh thắng Hà Nội đã lập biên bản, yêu cầu nhà chùa dừng thi công. Biên bản nêu rõ: Nhà chùa đã tự ý trùng tu, tháo dỡ di tích. Việc tu bổ, tôn tạo không theo quy định của pháp luật về di sản, đề nghị Phòng Quản lý di sản Hà Nội, BQL di tích và danh thắng Hà Nội, xã Tiên Phương, nhà chùa phối hợp hoàn thành quy trình, thủ tục hồ sơ tu bổ chùa để trình Bộ VH,TT&DL, đồng thời đánh giá các cấu kiện (đã tháo dỡ) để đưa vào tái sử dụng. Cũng trong văn bản này, sư thầy Thích Đàm Khoa ký nhận sai phạm.
Chiều 26-8, có mặt tại chùa Trăm Gian, ngôi chùa được dựng từ thời Lý, có thể thấy hạng mục nhà tổ đã cơ bản hoàn thành với cột gỗ, tường gạch - xi măng, nền bê tông, ngói mũi đỏ; gác khánh còn lợp ngói nữa là xong, vật liệu xây dựng mới toanh, những thứ cũ được dỡ ra, phủ bạt trước cổng. Dọc từ cổng chính lên nhà tổ, người dân tập trung khá đông, bàn tán, "tiếc nuối" khi công trình sắp hoàn thành bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại.
Nhiều người có cách lý giải về việc "làm mới di tích" khá hồn nhiên. Bà Nguyễn Thị Hạnh, người bán hàng nước lâu năm ở khu vực này nói: "Đấy, mọi người nhìn xem, cột gỗ dỡ xuống kia kìa, mục ruỗng hết rồi, không nhanh dỡ thì chùa sập gây chết người chứ chẳng chơi. Chỉ mấy ngày nữa là nhà tổ, gác khánh hoàn thành, bỗng nhiên phải dừng lại, lỡ dở hết cả". Bà Hạnh cho biết thêm: "Hôm lợp mái nhà tổ, người dân thôn Tiên Lữ nô nức đi bốc, xếp ngói. Cụ Tuệ, bậc cao niên của làng được tín nhiệm lên cất nóc cho tòa gác khánh".
Trao đổi với phóng viên Hànộimới chiều 26-8, thầy Thích Đàm Khoa, trụ trì chùa Trăm Gian cho biết: Nhà tổ và gác khánh đã bị xuống cấp nghiêm trọng, phải dùng nhiều cột, kèo chống đỡ. Trong lễ cúng tuần 35 cho một gia đình cách đây chưa lâu, một mảng tường lở chút nữa thì rơi vào người bà cụ hơn 80 tuổi. Sự việc này khiến nhà chùa phải tiến hành tu bổ càng nhanh càng tốt, chứ để nó đổ sập, gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Nhà chùa đã nhiều lần xin phép cơ quan chức năng tiến hành tu bổ một số hạng mục của chùa Trăm Gian và đã được đồng ý về mặt chủ trương nhưng chưa có quyết định cuối cùng, chưa được cấp kinh phí. "Toàn bộ kinh phí tu bổ hàng tỷ đồng là do nhà chùa đi vay (!?) và từ nguồn cung tiến của phật tử. Hơn 100m3 gỗ dùng để tu bổ cũng là do nhà chùa sang Lào mua" - thầy Thích Đàm Khoa tiết lộ.
Như vậy là việc dựng "di tích mới" diễn ra công khai, được nhiều người dân hưởng ứng. Đó tưởng là điều đáng mừng vì ngày càng có nhiều người góp công của tu bổ di tích nhưng thực ra, nhiệt tình đóng góp mà không hiểu biết thấu đáo về di tích, về Luật Di sản chẳng khác nào bức tử di tích. Rõ ràng là việc nhà chùa tự ý tiến hành tu bổ, tự loại bỏ các cấu kiện cũ khi chưa có quyết định của cơ quan chức năng là cái sai không thể biện minh.
|
Hạng mục Nhà tổ của chùa Trăm Gian đã tạm dừng thi công. Ảnh: Minh Ngọc |
Lỗ hổng quản lý quá lớn Theo tìm hiểu của PV Hànộimới, nhận thấy sự cần thiết phải tu bổ, tôn tạo một số hạng mục của chùa Trăm Gian, trước đây Sở VH,TT&DL Hà Nội đã có tờ trình UBND TP Hà Nội xin phê duyệt chủ trương và đầu tư xây dựng dự án. UBND TP đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương, giao cho Sở VH,TT&DL, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Chương Mỹ giải quyết cụ thể, báo cáo UBND TP. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 162/QĐ-KH&ĐT ngày 13-4-2010 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian với nguồn kinh phí dự kiến hơn 14,6 tỷ đồng. Việc là vậy, nhưng mấy năm trôi qua mà vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Giá như cơ quan quản lý có quyết định sớm, rõ ràng thì chùa Trăm Gian đâu có ra nông nỗi này?
Việc xâm hại chùa Trăm Gian đã rõ, nhưng giờ dư luận vẫn không thể biết việc xử lý "hậu phá chùa" sẽ được thực hiện theo hướng nào. Liệu "chùa mới" sẽ được hợp thức hóa, hay tìm cách tái sử dụng một số cấu kiện cũ còn tốt để "chùa mới" trở nên "dễ nhìn hơn", dễ được chấp nhận? Những người tham gia vào việc "xây chùa" trái phép sẽ bị xử lý thế nào?
Dư luận trăn trở vì sự "vượt rào" của nhà chùa Trăm Gian một thì băn khoăn về công tác quản lý di tích mười. Chính quyền địa phương đủ ban bệ, ở trong dân, lẽ nào không biết việc một "công trình xây dựng" diễn ra công khai, kéo dài tới vài tháng, người dân địa phương nô nức góp công, góp sức tu bổ, để đến khi nó hiện hình trước mắt mới cuống cuồng sửa sai? Một sự việc sai phạm "tày đình" diễn ra trên địa bàn mà xã Tiên Phương và các cơ quan hữu quan của huyện Chương Mỹ không biết cũng là chuyện khó tin vì trụ sở của UBND xã Tiên Phương chỉ cách chùa hơn 1km, UBND huyện cách chùa hơn 4km. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành và địa phương trong trường hợp này là thế nào?
Hơn một năm trước, sự “vượt rào” trong trùng tu tường Thành cổ Sơn Tây từng làm dư luận sôi sục, rồi dự án vẫn được hoàn thành như quan điểm của chủ đầu tư chứ không theo quan điểm của Cục Di sản văn hóa. Những chuyện làm mới di tích như thế liệu còn tiếp diễn đến bao giờ?